Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
Thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể tại Đà Lạt
Đà Lạt mộng mơ là điểm đến vừa yên bình nên thơ với thảm thực vật rực rỡ sắc màu, vừa ngập tràn tiếng cồng chiêng mỗi khi đêm về bên bếp lửa hồng.
Được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào năm 2005, cồng chiêng trở thành đại diện thứ hai của nước ta đón nhận danh hiệu này. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, trong từng chiếc cồng, chiếc chiêng luôn có hiện thân của những vị thần nên đây là nhạc cụ không thể thiếu của những buổi lễ quan trọng như: lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ chúc sức khoẻ, lễ mừng nhà rông mới, mừng chiến thắng, lễ cầu an cho cây lúa… Cồng chiêng còn là hiện thân của tính cộng đồng và gắn liền với tính cách mạnh mẽ của con người cao nguyên.
Cồng chiêng gắn liền với phong tục cổ truyền của người Tây Nguyên từ bao đời nay.
Du lịch kết hợp với trải nghiệm văn hóa là một trong những điểm mới, được du khách đặc biệt quan tâm trong những kỳ nghỉ dưỡng tại Tây Nguyên. Do vậy, nhiều tour trải nghiệm văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái ra đời. Nổi bật nhất phải kể đến Đà Lạt mộng mơ, điểm đến vừa yên bình nên thơ với thảm thực vật rực rỡ sắc màu, vừa ngập tràn tiếng cồng chiêng mỗi khi đêm về bên bếp lửa hồng.
Du khách hào hứng tham gia chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng.
Với chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng hàng đêm tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ, du khách sẽ được hòa mình vào đêm hội văn hóa Tây Nguyên với vũ điệu rộn ràng, thưởng thức những xiên thịt nướng thơm lừng và nếm những ngụm rượu cần ấm nồng.
Trong ánh lửa bập bùng, không gian văn hóa của đồng bào bản địa nơi đây được tái hiện, du khách sẽ được nghe những bài ca núi rừng và cùng tôn vinh kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả đã tạo thành một nét đẹp văn hóa đa sắc màu riêng biệt của Đà Lạt mà bất cứ ai cũng không nên bỏ qua.
Cùng thưởng thức những ngụm rượu cần ấm nồng trong khí trời se lạnh.
Theo: https://vnexpress.net/